Giấy phép kinh doanh rượu là điều kiện bắt buộc đối với mọi cá nhân, tổ chức kinh doanh, phân phối, bán lẻ rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tại Việt Nam. Để được cấp phép, doanh nghiệp cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự và thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn chi tiết về điều kiện, hồ sơ và các bước thực hiện để xin cấp giấy phép kinh doanh rượu một cách nhanh chóng, hiệu quả.
1. Giấy phép kinh doanh rượu là gì?
Giấy phép kinh doanh rượu là loại giấy phép được cấp bởi cơ quan quản lý nhà nước, để cho phép một doanh nghiệp hoặc cá nhân thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, phân phối hoặc bán rượu.
2. Những loại giấy phép kinh doanh rượu phổ biến hiện nay
Dưới đây là một số loại giấy phép phổ biến liên quan đến kinh doanh rượu:
- Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp
- Giấy phép phân phối rượu
- Giấy phép bán buôn rượu
- Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích buôn bán kinh doanh
- Giấy phép bán lẻ rượu
- Giấy phép kinh doanh rượu tiêu dùng tại chỗ.
3. Điều kiện để các cá nhân, tổ chức được kinh doanh rượu
Điều kiện để các cá nhân và tổ chức được kinh doanh rượu có thể được phân loại như sau:
3.1 Điều kiện cần có để sản xuất rượu công nghiệp
- Thành lập doanh nghiệp dựa theo quy định pháp luật
- Có dây chuyền thiết bị, máy móc và quy trình công nghệ sản xuất rượu đáp ứng quy mô sản xuất dự kiến
- Chấp hành nghiêm ngặt các quyền an toàn vệ sinh thực phẩm
- Thực hiện nghiêm các quy định về vấn đề bảo vệ môi trường
- Ghi nhãn hàng hóa rượu dựa theo quy định pháp luật
- Có cán bộ kỹ thuật có chuyên môn và trình độ phù hợp
3.2 Điều kiện để sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích buôn bán kinh doanh
- Thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh hợp tác xã hoặc liên hiệp hợp tác xã theo quy định pháp luật
- Tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm và ghi nhãn hàng hóa rượu
3.3 Đối với việc bán rượu cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại
- Có hợp đồng mua bán với doanh nghiệp đó
- Trường hợp không bán rượu cho doanh nghiệp sở hữu Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân sản xuất rượu thủ công phải làm thủ tục cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công với mục đích kinh doanh theo quy định
3.4 Điều kiện phân phối rượu
- Thành lập doanh nghiệp dựa theo quy định pháp luật
- Sở hữu hợp pháp kho hàng hoặc hệ thống kho hàng với diện tích sàn sử dụng từ 150m2 trở lên
- Rượu dự kiến kinh doanh phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về an toàn thực phẩm
- Có hệ thống chuỗi phân phối rượu trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, với ít nhất 1 thương nhân bán buôn rượu tại mỗi tỉnh, thành phố
- Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của các thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc nhà cung cấp rượu ở nước ngoài
- Chấp hành nghiêm các yêu cầu về bảo vệ môi trường cũng như phòng cháy chữa cháy
3.5 Điều kiện bán buôn rượu
- Thành lập doanh nghiệp dựa theo quy định pháp luật
- Sở hữu hợp pháp kho hàng hoặc hệ thống kho hàng với diện tích sàn sử dụng từ 50m2 trở lên
- Rượu dự kiến kinh doanh phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về an toàn thực phẩm
- Có mạng lưới phân phối rượu đa cấp trên lãnh thổ của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi thương nhân có trụ sở chính, với ít nhất 3 đại lý bán lẻ rượu
- Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của các thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu khác
- Tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường cũng như phòng cháy chữa cháy
3.6 Điều kiện bán lẻ rượu
- Thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã hoặc liên hiệp hợp tác xã theo quy định pháp luật
- Sở hữu hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định với địa chỉ rõ ràng
- Có hợp đồng nguyên tắc hoặc văn bản giới thiệu của các thương nhân sản xuất, thương nhân phân phối hoặc thương nhân bán buôn rượu
- Rượu dự kiến kinh doanh phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về an toàn thực phẩm
- Cam kết chấp hành các yêu cầu về bảo vệ môi trường cũng như phòng cháy chữa cháy
3.7 Điều kiện cần có để bán rượu tiêu dùng tại chỗ
- Thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh theo quy định pháp luật
- Sở hữu hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định với địa chỉ rõ ràng
- Rượu tiêu thụ tại chỗ phải có nguồn cung từ thương nhân đã được cấp Giấy phép sản xuất, phân phối, bán buôn hoặc bán lẻ rượu
- Cam kết chấp hành các yêu cầu về bảo vệ môi trường cũng như phòng cháy chữa cháy
- Trong trường hợp người thương nhân tự sản xuất rượu để bán tiêu dùng tại chỗ, họ phải được cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công hoặc Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp nhằm mục đích kinh doanh theo đúng quy định
4. Giấy phép kinh doanh rượu có thời hạn bao nhiêu lâu?
Các giấy phép kinh doanh rượu có thời hạn khác nhau tùy thuộc vào loại hoạt động kinh doanh.
Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp được cấp với thời hạn là 15 năm, cho phép doanh nghiệp sản xuất rượu theo quy trình công nghệ và quy mô dự kiến.
Trong khi đó, giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích buôn bán kinh doanh, giấy phép bán buôn rượu, giấy phép phân phối rượu, giấy phép bán lẻ rượu và giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ đều có thời hạn cấp là 5 năm.
5. Thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh rượu
Ở Việt Nam, cấp giấy phép kinh doanh rượu được chia thành các loại:
- Giấy phép sản xuất và phân phối rượu công nghiệp trên quy mô 3 triệu lít/năm trở lên do Bộ Công Thương cấp.
- Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp dưới 3 triệu lít/năm và giấy phép bán buôn rượu địa phương do Sở Công Thương cấp.
- Giấy phép kinh doanh rượu thủ công, bán lẻ và bán rượu tiêu thụ tại chỗ thuộc thẩm quyền của Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng của Ủy ban nhân dân các đơn vị địa phương.
6. Chi tiết hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh rượu
Hồ sơ xin cấp Giấy sản xuất rượu công nghiệp
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp (01 bộ) bao gồm các tài liệu sau:
- Đơn đề nghị xin cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc những giấy tờ có giá trị pháp lý tương xứng
- Bản sao cho giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (nếu sản phẩm rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật); bản sao cho giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm
- Bản sao về quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động đến môi trường hoặc giấy xác nhận đăng ký kế hoạch về việc bảo vệ môi trường hoặc giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường từ cơ quan có thẩm quyền cấp
- Bản liệt kê tên hàng hóa rượu kèm theo bản sao nhãn hàng hóa rượu mà doanh nghiệp đã sản xuất hoặc dự kiến sản xuất
- Bản sao của bằng cấp, giấy chứng nhận trình độ chuyên môn và quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động của cán bộ kỹ thuật
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công với mục đích buôn bán kinh doanh
Để xin cấp giấy phép kinh doanh rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, cần nộp hồ sơ đề nghị bao gồm các tài liệu sau:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công cho mục đích kinh doanh
- Bản sao văn bản chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh, hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh
- Bản sao cho giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (nếu sản phẩm rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật); bản sao cho giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm
- Bản liệt kê tên hàng hóa rượu kèm theo bản sao nhãn hàng hóa rượu mà tổ chức hoặc cá nhân đã sản xuất hoặc dự kiến sản xuất
Hồ sơ để được cấp Giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu
Để xin cấp giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu, hồ sơ đề nghị cần bao gồm các tài liệu sau:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép bán lẻ mặt hàng rượu
- Bản sao tài liệu chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh
- Bản sao hợp đồng thuê/mượn hoặc tài liệu chứng minh quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở dự kiến làm địa điểm bán lẻ
- Bản sao văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc từ các thương nhân sản xuất rượu, phân phối rượu hoặc bán buôn rượu
- Bản cam kết do thương nhân tự lập, trong đó ghi rõ nội dung thương nhân cam kết tuân thủ đầy đủ yêu cầu về phòng cháy chữa cháy và thực hiện nghiêm túc các quy định liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường của pháp luật tại các điểm bán lẻ rượu
Hồ sơ xin cấp Giấy phép phân phối rượu
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép phân phối rượu gồm 01 bộ và bao gồm các tài liệu sau:
- Đơn đề nghị xin cấp Giấy phép phân phối rượu
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương có giá trị pháp lý
- Bản sao hợp đồng thuê/mượn hoặc tài liệu chứng minh quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở dự kiến làm kho hàng và địa điểm kinh doanh bán rượu lẻ và bán rượu tiêu dùng tại chỗ (nếu có) theo quy định
- Bản sao giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật) cho các sản phẩm rượu dự kiến kinh doanh
- Bản sao hợp đồng nguyên tắc, thư xác nhận hay bản cam kết tham gia hệ thống phân phối rượu từ các thương nhân bán buôn rượu; bản sao giấy phép bán buôn rượu của thương nhân dự kiến sẽ tham gia hệ thống phân phối của doanh nghiệp đề nghị cấp phép
- Những tài liệu có liên quan đến nhà cung cấp rượu như bản sao các văn bản giới thiệu, hợp đồng nguyên tắc từ thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối khác hoặc nhà cung cấp rượu nước ngoài
- Bản cam kết do thương nhân tự lập, nêu rõ nội dung thương nhân cam kết tuân thủ đầy đủ yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật tại trụ sở, điểm kinh doanh và kho hàng
Hồ sơ xin cấp Giấy phép bán buôn rượu
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bán buôn rượu gồm 01 bộ là bao gồm các tài liệu sau:
- Đơn xin được cấp Giấy phép bán buôn rượu
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương có giá trị pháp lý
- Bản sao hợp đồng thuê/mượn hoặc tài liệu chứng minh quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở dự kiến làm kho hàng, điểm bán lẻ rượu và bán rượu tiêu thụ tại chỗ (nếu có).
- Bản sao giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật) cho các sản phẩm rượu dự kiến kinh doanh
- Bản sao của thư xác nhận, hợp đồng nguyên tắc hoặc bản cam kết tham gia hệ thống bán buôn từ các thương nhân bán lẻ; bản sao giấy phép bán lẻ rượu của các thương nhân dự kiến sẽ tham gia hệ thống bán buôn của doanh nghiệp xin cấp phép
- Bản cam kết do thương nhân tự lập, nêu rõ nội dung thương nhân cam kết tuân thủ đầy đủ yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường của pháp luật tại trụ sở, điểm kinh doanh và kho hàng
Hồ sơ để được Giấy phép kinh doanh rượu tiêu thụ tại chỗ
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh rượu tiêu dùng tại chỗ gồm 01 bộ và bao gồm các tài liệu sau:
- Đơn đề nghị được cấp Giấy phép kinh doanh rượu tiêu dùng tại chỗ
- Bản sao của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã hộ kinh doanh hoặc liên hiệp hợp tác xã
- Bản sao hợp đồng thuê/mượn hoặc tài liệu chứng minh quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở dự kiến làm địa điểm bán rượu tiêu dùng tại chỗ
- Bản sao hợp đồng mua bán rượu với các thương nhân đã có Giấy phép sản xuất, phân phối, bán buôn hoặc bán lẻ rượu
7. Trình tự thủ tục đề nghị cấp giấy phép kinh doanh rượu
Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh rượu sẽ diễn ra theo trình tự như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh rượu
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu, bạn cần nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để xin cấp giấy phép kinh doanh rượu.
Bước 2: Bộ phận sẽ tiếp nhận và xử lý hồ sơ
Hồ sơ sẽ được tiếp nhận và xử lý bởi bộ phận chuyên trách trong cơ quan có thẩm quyền. Bộ phận này sẽ kiểm tra và đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ, đảm bảo rằng tất cả các thông tin và giấy tờ cần thiết đều được cung cấp đúng theo quy định.
Bước 3: Cấp giấy phép
Sau khi hồ sơ của bạn được kiểm tra và xem xét kỹ lưỡng, nếu đáp ứng đủ các yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp giấy phép kinh doanh rượu cho bạn. Thời gian cấp giấy phép thường là sau 10-15 ngày kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ tùy từng loại giấy phép cụ thể.
8. Quy định về báo cáo sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh rượu
Quy định về báo cáo sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh rượu tại Việt Nam cụ thể như sau:
- Trước ngày 20 tháng 01 hàng năm, thương nhân phải gửi báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh rượu trong năm trước của mình về cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép. Báo cáo này được lập theo Mẫu số 08 và Mẫu số 09 được ban hành kèm theo Nghị định 105/2017/NĐ-CP.
- Trước ngày 30 tháng 01 hàng năm, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải chuyển đạt thông tin về sản xuất rượu thủ công dùng để bán cho các doanh nghiệp đã có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để tiến hành chế biến. Báo cáo này được gửi tới Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng theo Mẫu số 10 ban hành kèm theo Nghị định 105/2017/NĐ-CP.
- Trước ngày 15 tháng 02 hàng năm, phía Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng phải gửi báo cáo tình hình sản xuất rượu thủ công với mục đích sản xuất, kinh doanh rượu thủ công để cung cấp cho các đơn vị doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất mặt hàng rượu công nghiệp để chế biến lại, bao gồm tình hình bán rượu tiêu thụ tại chỗ và bán lẻ rượu trong năm trước đó. Báo cáo này được gửi tới Sở Công Thương theo Mẫu số 11 ban hành kèm theo Nghị định 105/2017/NĐ-CP.
9. Quy định về xử phạt doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh rượu
Quy định về xử phạt đối với doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh rượu như sau:
- Căn cứ vào Điều 16 của Nghị định 17/2020/NĐ-CP, việc sản xuất rượu phải có giấy phép. Doanh nghiệp không đăng ký giấy phép kinh doanh rượu sẽ vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
- Theo Điều 6 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP, đối với các cửa hàng không có giấy phép kinh doanh rượu, mức xử phạt được áp dụng là từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Ngoài ra, nếu việc không có giấy phép kinh doanh rượu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng, còn có thể bị áp dụng xử phạt bổ sung.
10. Một số câu hỏi thường gặp
Giấy phép kinh doanh rượu có thời hạn bao nhiêu lâu?
Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có thời hạn 15 năm. Các loại giấy phép còn lại có thời hạn là 5 năm.
Kinh doanh rượu không có giấy phép bị xử phạt như thế nào?
Đối với các cửa hàng không có giấy phép kinh doanh rượu, mức xử phạt được áp dụng là từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Ngoài ra, nếu việc không có giấy phép kinh doanh rượu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng, còn có thể bị áp dụng xử phạt bổ sung.
Xin giấy phép bán lẻ rượu ở đâu?
Giấy phép kinh doanh rượu thủ công, bán lẻ và bán rượu tiêu thụ tại chỗ thuộc thẩm quyền của Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng của Ủy ban nhân dân các đơn vị địa phương.
Chi phí xin giấy phép kinh doanh rượu mất bao nhiêu tiền?
- Lệ phí cấp giấy phép kinh doanh rượu: 200.000 đồng
- Phí thẩm định điều kiện kinh doanh rượu để cấp giấy phép tùy từng hạng mục kinh doanh rượu sẽ khác nhau: dao động từ 1.100.000 – 4.500.000/ lần thẩm định.
Thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh rượu là cơ quan nào?
- Giấy phép sản xuất và phân phối rượu công nghiệp trên quy mô 3 triệu lít/năm trở lên: Bộ Công Thương .
- Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp dưới 3 triệu lít/năm và giấy phép bán buôn rượu địa phương: Sở Công Thương.
- Giấy phép kinh doanh rượu thủ công, bán lẻ và bán rượu tiêu thụ tại chỗ: Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng của Ủy ban nhân dân các đơn vị địa phương.