Nên thành lập công ty hay hộ kinh doanh

“Nên thành lập công ty hay hộ kinh doanh?” là băn khoăn của rất nhiều người khi muốn lựa chọn một hình thức để bắt đầu hoạt động kinh doanh. Mỗi loại hình đều có những ưu nhược điểm riêng, phù hợp với từng quy mô, mục đích kinh doanh khác nhau. Bài viết sau đây sẽ phân tích những ưu nhược điểm của từng loại hình và những yếu tố cần cân nhắc để lựa chọn nên thành lập công ty hay hộ kinh doanh.

1. Khái quát về công ty và hộ kinh doanh

1.1 Công ty

Công ty là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản riêng, có trụ sở giao dịch ổn định và được thành lập theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện các hoạt động kinh doanh để tạo ra lợi nhuận. Theo Luật Doanh nghiệp 2020, công ty bao gồm các loại hình chính như Công ty TNHH (trách nhiệm hữu hạn), Công ty cổ phần, và Công ty hợp danh.

Đặc điểm pháp lý của công ty:

  • Tư cách pháp nhân: Công ty có tư cách pháp nhân kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, có thể tham gia vào các quan hệ pháp luật độc lập với chủ sở hữu.
  • Trách nhiệm hữu hạn: Các thành viên hoặc cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi vốn đã góp vào công ty (trừ doanh nghiệp tư nhân).
  • Có con dấu riêng: Công ty được cấp con dấu để thực hiện các giao dịch pháp lý.
  • Khả năng huy động vốn: Công ty có khả năng huy động vốn qua nhiều hình thức: huy động vốn góp từ thành viên, phát hành cổ phiếu,…

Các loại hình công ty phổ biến hiện nay:

a) Công ty cổ phần:

  • Là loại hình doanh nghiệp trong đó vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần.
  • Tối thiểu phải có 3 cổ đông và không giới hạn số lượng tối đa. Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ trong phạm vi vốn đã góp.

b) Công ty TNHH:

  • Công ty TNHH một thành viên: Là loại hình công ty do một cá nhân hoặc tổ chức làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu chịu trách nhiệm về các khoản nợ trong phạm vi vốn điều lệ đã góp. Công ty TNHH một thành viên không được phát hành cổ phiếu.
  • Công ty TNHH hai thành viên trở lên: Có từ hai đến 50 thành viên. Các thành viên chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn đã góp. Công ty TNHH hai thành viên cũng không được phát hành cổ phiếu nhưng có thể huy động vốn từ các thành viên mới.

c) Công ty hợp danh:

  • Là loại hình doanh nghiệp yêu cầu tối thiểu 2 thành viên hợp danh cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung.
  • Thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản cá nhân đối với các nghĩa vụ của công ty, trong khi thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp.

1.2 Hộ kinh doanh

Hộ kinh doanh cá thể theo Điều 79 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp như sau:  

“Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.”

2. Nên thành lập công ty hay hộ kinh doanh sẽ tốt hơn?

Nên thành lập công ty hay hộ kinh doanh để có lợi hơn? Để giải đáp thắc mắc, hãy cùng tùy hiểu về ưu nhược điểm của từng loại hình.

Về ưu điểm

Đối với công ty:

  • Có tư cách pháp nhân (trừ doanh nghiệp tư nhân), có con dấu pháp nhân, được phép xuất hóa đơn đỏ.
  • Mở rộng kinh doanh với quy mô lớn: Công ty có thể mở rộng hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm khác nhau, bằng cách thành lập các chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh mới.
  • Khả năng huy động vốn cao: Công ty có khả năng thu hút nguồn vốn từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là đối với loại công ty như cổ phần hoặc công ty TNHH hai thành viên trở lên.
  • Ưu đãi về vay vốn: Công ty có nhiều ưu đãi về vay vốn so với mô hình hộ kinh doanh.
  • Chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm với phần tài sản đã góp vào công ty, chứ không lấy tài sản cá nhân để chịu trách nhiệm cho công ty (trừ doanh nghiệp tư nhân).
  • Cạnh tranh cao: Công ty có khả năng cạnh tranh cao hơn dựa vào việc xây dựng thương hiệu uy tín, chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ mà công ty cung cấp.
  • Số lượng lao động không bị giới hạn: Công ty có thể tạo ra cơ hội việc làm cho người trong độ tuổi lao động đang tìm kiếm công việc. Đối với một số công việc phù hợp công ty có thể tận dụng lao động chưa thành niên.

Đối với hộ kinh doanh:

  • So với công ty thì hộ kinh doanh cá thể có thủ tục thành lập đơn giản hơn và không mất nhiều thời gian cũng như chi phí.
  • Vì số lượng ít và chủ yếu là thành viên trong cùng hộ gia đình nên quản lý dễ dàng.
  • Không bị ràng buộc về nguồn vốn, hộ kinh doanh có thể hoạt động với số vốn lớn hoặc nhỏ. Điều này sẽ giúp quay vòng vốn nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh.
  • Hộ kinh doanh có thể đóng mức thuế cố định theo hàng tháng do cơ quan thuế quyết định và lệ phí môn bài sẽ phụ thuộc vào doanh thu từng năm mà không phát sinh bất kì chi phí nào.

Về nhược điểm

Đối với công ty:

  • Việc quản lý nguồn nhân lực và hoạt động kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn hơn đối với công ty, đặc biệt khi công ty quy mô lớn và sử dụng nhiều lao động.
  • Chế độ kế toán, kiểm toán phức tạp và doanh nghiệp phải đóng nhiều loại thuế hơn so với hộ kinh doanh.
  • Thủ tục thành lập công ty khá phức tạp, yêu cầu phải chuẩn bị tài liệu và hoàn thiện hồ sơ theo quy định của Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
  • Trong trường hợp với một số loại hình công ty có số lượng lớn thành viên góp nhiều vốn sẽ dẫn đến việc kiểm soát các thành viên trở nên khó khăn hơn, có thể dẫn đến xung đột với nhau về mặt lợi ích.

Đối với hộ kinh doanh:

  • Chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm và không được mở thêm địa điểm kinh doanh hay chi nhánh nào khác.
  • Hạn chế về huy động vốn, các hộ kinh doanh dựa vào nguồn vốn tự xoay hoặc vay từ cá nhân và tổ chức khác. Hơn nữa, không thể rút vốn và hoàn toàn chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của mình.
  • Không có tư cách pháp nhân nên khi tham gia những giao dịch sẽ mang tư cách một cá nhân, do đó địa vị pháp lý của hộ kinh doanh không được chặt chẽ.
  • Tất cả các thành viên trong hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm về toàn bộ tài sản đối với hoạt động kinh doanh của hộ.
  • Hộ kinh doanh không được xuất hóa đơn đỏ, khi muốn xuất hóa đơn cho khách hàng thì cần liên hệ đến Cơ quan thuế quản lý để mua và số lượng mua cũng bị hạn chế.

>> Vậy nên thành lập công ty hay hộ kinh doanh?

Qua phân tích những ưu nhược điểm của 02 loại hình cùng nhiều năm kinh nghiệm tư vấn cho Khách hàng thì:

  • Nên mở công ty khi:
    • Quy mô kinh doanh vừa hoặc lớn, có nhu cầu sử dụng nhiều lao động;
    • Muốn mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh hoặc huy động vốn;
    • Khi kinh doanh một số ngành nghề có yêu cầu về loại hình là doanh nghiệp: bảo hiểm, xuất nhập khẩu, …
  • Nên mở hộ kinh doanh khi:
    • Quy mô kinh doanh nhỏ lẻ, không yêu cầu nhiều về vốn;
    • Không có nhu cầu mở rộng kinh doanh.
    • Phù hợp với các mô hình kinh doanh như: tiệm cắt tóc, tạp hóa, quán ăn, quán cafe,…

Mỗi loại hình kinh doanh đều có những đặc điểm pháp lý riêng biệt, phù hợp với nhu cầu và mục tiêu kinh doanh khác nhau. Hi vọng với những phân tích ở trên, bạn đã có thể đưa ra quyết định cho mình. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, mời bạn liên hệ ngay cho H&A để được tư vấn miễn phí.