Thành lập công ty cần bao nhiêu vốn? Vốn điều lệ và vốn pháp định khi thành lập công ty được quy định như thế nào? Có cần chứng minh vốn góp hay không? Bài viết dưới đây sẽ phân tích các quy định pháp lý liên quan về vốn điều lệ công ty để thành lập công ty, doanh nghiệp.
1. Vốn điều lệ là gì?
Theo khoản 34 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về vốn điều lệ như sau:
Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
2. Mức vốn điều lệ tối thiểu khi thành lập công ty
Hiện nay, theo Luật Doanh nghiệp 2020, không có quy định cụ thể về vốn điều lệ tối thiểu để thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ có yêu cầu về vốn tối thiểu. Khi đó, doanh nghiệp cần đăng ký mức vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định đối với ngành nghề đó.
Doanh nghiệp đăng ký mức vốn điều lệ dựa trên một số yếu tố sau:
- Năng lực tài chính
- Quy mô hoạt động công ty
- Chiến lược phát triển kinh doanh dài hạn
- Mức lệ phí môn bài hàng năm:
- Vốn điều lệ từ dưới 10 tỷ: 2.000.000/năm
- Vốn điều lệ trên 10 tỷ: 3.000.000/năm
3. Thời hạn góp vốn điều lệ khi thành lập công ty
Trong thời gian 90 ngày kể từ ngày nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Chủ sở hữu, Thành viên, hoặc Cổ đông phải thực hiện đầy đủ việc góp vốn cho công ty theo đúng loại tài sản đã cam kết khi thành lập doanh nghiệp. Thời gian để vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, cũng như các thủ tục hành chính liên quan đến chuyển quyền sở hữu tài sản không được tính vào thời hạn này. Trong khoảng thời gian này, Chủ sở hữu, Thành viên, hoặc Cổ đông công ty sẽ có quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp đã cam kết.
Trường hợp không góp đủ số vốn điều lệ trong thời hạn quy định:
- Công ty TNHH một thành viên phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. Trường hợp này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày cuối cùng công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ theo quy định.
- Công ty TNHH 2 thành viên trở lên phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp theo quy định tại khoản 2 Điều này. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên.
- Công ty cổ phần phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết đồng thời phải đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày. Cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn trước ngày công ty đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ.
3. Một số ngành nghề có yêu cầu về vốn
Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu mà doanh nghiệp cần phải có khi đăng ký kinh doanh trong những ngành nghề có điều kiện, nhằm đảm bảo khả năng tài chính và sự ổn định trong hoạt động kinh doanh.
Vốn pháp định không giống như vốn điều lệ; nó là yêu cầu bắt buộc đối với một số ngành nghề cụ thể và phải được góp đủ trước khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động. Mức vốn pháp định có thể bằng hoặc lớn hơn vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Một số ngành nghề có yêu cầu về vốn pháp định:
– Lĩnh vực lao động:
- Kinh doanh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài: 05 tỷ đồng
- Thành lập Trung tâm giáo dục nghề nghiệp: 05 tỷ
- Thành lập trường trung cấp: 50 tỷ
– Lĩnh vực tài chính:
- Kinh doanh bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ
- Tư vấn đầu tư chứng khoán: 10 tỷ
- Quản lý quỹ: 25 tỷ
4. Một số câu hỏi về vốn điều lệ khi thành lập công ty
4.1 Có cần chứng minh vốn điều lệ khi thành lập công ty không?
Không. Theo quy định pháp luật hiện hành, doanh nghiệp không cần chứng minh vốn điều lệ khi thành lập công ty.
4.2 Có thể thay đổi vốn điều lệ sau khi thành lập công ty không?
Có. Doanh nghiệp có thể tăng hoặc giảm vốn điều lệ trong suốt quá trình hoạt động tùy thuộc vào nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi có sự thay đổi về vốn, doanh nghiệp cần tiến hành thủ tục thay đổi vốn điều lệ tới Cơ quan đăng ký kinh doanh.
4.3 Có thể góp vốn vào công ty bằng những hình thức nào?
Cá nhân, tổ chức có thể góp vốn vào doanh nghiệp bằng những hình thức sau:
- Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, quyền sở hữu trí tuệ;
- Công nghệ và bí quyết kỹ thuật.
- Các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam
4.4 Không góp đủ vốn khi thành lập công ty có bị phạt không?
Theo quy định, doanh nghiệp phải tiến hành góp đủ vốn điều lệ trong thời gian 90 ngày kể từ ngày nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Sau thời hạn này, nếu doanh nghiệp không góp đủ vốn điều lệ đã đăng ký thì phải thực hiện thủ tục thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. Sau thời hạn này, nếu doanh nghiệp không đăng ký thay đổi vốn điều lệ thì sẽ bị:
- Phạt tiền từ 30.000.000 – 50.000.000
- Biện pháp khắc phục: bắt buộc đăng ký vốn điều lệ bằng số vốn góp thực tế.